Tà Năng – Phan Dũng là cung trekking mà nếu ai từng có cơ hội trải nghiệm thì đều công nhận vẻ đẹp của nơi đây quá tuyệt vời.
Cung Tà Năng – Phan Dũng vốn đã rất nổi tiếng nên lượng người tham gia trekking càng lúc càng đông, với điểm xuất phát là căn nhà hoa giấy – căn nhà tập kết và rửa rau củ để chuẩn bị cho đêm hạ lều, tất nhiên chủ nhà rất hiền lành nhưng vẫn phải xin phép trước khi làm bất cứ điều gì nhé. Bắt đầu từ những con đường thênh thang, băng qua những chuồng trâu, chuồng bò trên những thửa đất trống trải, tới những con đường nhỏ chỉ vừa một bàn chân.
Căn nhà hoa giấy, nơi tập kết đầu tiên
Băng qua những thửa đồng bao la, lác đác đâu đó những chú bò đang gặm cỏ
Những cánh ruộng đang lên xanh lúa mới, những con đường nhỏ vừa bàn chân
Sau khi đã lội qua khoảng chục con suối lớn nhỏ, điểm thử thách đầu tiên là những con dốc cao nối tiếp, xung quanh chỉ là cây thông và cây nắp ấm mọc dưới gốc thông. Bạn phải leo lên 3 con dốc cao liên hoàn, với 15kg trên lưng, ngồi nghỉ một chút, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy thêm một cơ số những con dốc khác xa đến tít tắp. Đích đến cho ngày đầu tiên còn cách chục quả đồi nữa.
Những cây thông mọc chi chít trên suốt đường đi
Những chiếc xe tự chế của các anh porter, chở đồ cho những đoàn trekking
Hôm đó đoàn tôi leo nhanh, tầm giữa trưa đã đến chỗ nghỉ trưa, đối diện là ngọn đồi 3 tỉnh – là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận. Ăn trưa và nghỉ ngơi xong, di chuyển về đỉnh đồi 3 tỉnh, trên cao gió đánh bạt vào mặt, tôi cứ mặc sức mà nhìn hết núi đồi xung quanh, không chỗ nào có thể đẹp hơn nơi này.
Từ chỗ ăn trưa, thấp thoáng những con đường uốn lượn quanh triền đồi.
Tiếp tục leo lên ngọn đồi giáp ranh 3 tỉnh.
Phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên
Tranh thủ ngồi nghỉ trên đỉnh đồi
Đoàn tôi tiếp tục đi, có những trận mưa bất chợt nên đoàn quyết định mặc áo mưa và đi tiếp, 6 con người trong đoàn cùng giúp nhau qua những cung đường trơn, sình lầy. Quả thực với 15kg trên vai thì hầu như chuyến đi đều cắm mặt xuống đất, và mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn.
Đến 3 giờ chiều, đoàn đến được ngọn đồi 2 cây thông, cũng là đích đến cho ngày đầu tiên. Hạ trại dựng lều, chuẩn bị bếp làm đồ nướng và nghỉ ngơi sau chuyến đi dài vất vả. Ngọn đồi này cao hơn những ngọn đồi khác nên cắm trại ở đây bạn sẽ bao quát được khung cảnh xung quanh.
Con đường cuối cùng trong ngày đầu tiên, là đường dẫn về đồi 2 cây thông, nơi đoàn hạ trại.
Ngủ lều là trải nghiệm sung sướng nhất khi đi trekking
Mây trời vần vũ, lững thững trôi qua lều
Đêm hạ trại, sau khi giao lưu với các đoàn khác xong xuôi, hát hò đủ kiểu rồi vào lều ngủ, chuẩn bị cho ngày tiếp theo đi về Phan Dũng. Đường về Phan Dũng ngắn hơn nhưng mất sức hơn do khí hậu ở rừng Phan Dũng không còn mát mẻ như Tà Năng nữa, không khí khô hơn và dễ mất sức hơn.
Các đoàn thay nhau quay bùi nhùi thép, một trò phổ biến khi đi cắm trại và của dân nhiếp ảnh.
Sáng sớm, mở cửa lều ra, sương sớm bao trùm khắp nơi
Sáng dậy, đun nước nấu mì, làm ly mì nóng giữa tiết trời se se lạnh
7h sáng dọn dẹp xong xuôi, gom rác và bắt đầu đi về Phan Dũng, chủ yếu đường mòn, không còn dốc đứng như ở Tà Năng, thực vật cũng khác hơn, những con đường cỏ tranh cao ngang đầu người nối tiếp nhau. 12h trưa ra khỏi rừng Phan Dũng, đoàn tôi tìm chỗ ăn trưa, nghỉ ngơi đợi chuyến xe về lại thành phố, thật sự hoàn thành xong cung trekking Tà Năng – Phan Dũng, cảm giác vượt lên cả bản thân mình, bứt phá giới hạn vốn có của tôi.
Bắt đầu đi ngày thứ 2 về lại Phan Dũng, vượt qua những con đường khó thể quên.
Rừng Phan Dũng, rậm rạp hơn, nóng hơn so với những con đường đã qua ở Tà Năng.
Chuyến đi đã hoàn thành, và cảm xúc thì còn mãi
Lưu ý khi thực hiện trekking Tà Năng – Phan Dũng:
Đồ đạc cá nhân, chuẩn bị những đồ nhẹ và thoải mái nhất, tốt nhất đem 2 bộ, tất, mũ, lương thực dự trữ như lương khô, kẹo, bánh ngọt phòng khi đói hay cảm giác mất sức. Ngoài ra, gạo lức muối mè cũng chứa năng lượng rất cao, gạo lại rất lâu hư nên tiện khi đem theo.
Nước là thứ quan trọng nhất cuộc hành trình, trong cung có nhiều con suối nước rất trong và sạch nhưng nước ở đây bị nhiễm Dioxin nên hạn chế lấy để ăn uống. Thông thường vào mùa cỏ xanh, trời mát nên đi đỡ mất sức hơn mùa khô, chuẩn bị mỗi người tầm 6 lít nước, đảm bảo cho chuyến hành trình suôn sẻ vì suốt dọc đường không có hàng quán hay điểm tiếp tế nhu yếu phẩm.
Đồ y tế cá nhân, thuốc cảm sốt, Paracetamon, băng keo cá nhân, gạc, thuốc bôi chống muỗi vắt, salonpas, những thứ này tuy nhỏ gọn nhưng công dụng rất nhiều trong chuyến đi.